Trang

Thứ Hai, 24 tháng 6, 2013

4 ngày "toàn cảnh" Bali (phần 2)



Ngày 3: Ubud - Kehen Temple - Besakih Temple – Kintamani - Lovina Beach.
Đền Kehen và Besakih, mỗi nơi một nét khác nhau. Nhưng theo cá nhân mình thì mình thấy thích đền Besakih hay còn gọi là đền mẹ nhất. Đền mẹ leo bậc thang khá nhiều, cảnh cũng rất đẹp. Lên đến trên cùng sẽ là cổng có hai bên thành bậc là rồng chạm khắc bằng đá. View từ trên cao xuống thấy toàn cảnh rất đẹp.

Khi vào đền này thì lái xe hay anh tour guide của bạn sẽ không được vào. Bạn buộc phải thuê một anh hướng dẫn địa phương. Đây là bắt buộc, vì nếu bạn không thuê thì họ sẽ không cho bạn qua cái cổng để lên xem đền chính mà phải càng lên trên cao mới càng đẹp. GIá thuê hướng dẫn địa phương thì họ sẽ nói là tùy tâm, và đưa bạn 1 quyển sổ ghi tên những người góp tiền, thường là vài trăm ngàn Rp. Nhưng thực tế bạn chỉ cần đưa 50,000 Rp là đủ cho cả đoàn 12 người.

Trưa hôm đó đoàn mình lên Kintamani để ăn trưa và ngắm núi lửa. Song rất không may là hôm đó có nhiều sương mù quá, phủ trắng xóa nên chả nhìn được gì, may kịp chụp vài kiểu ảnh lúc còn rõ chút. Tới đây bạn chú ý mang áo ấm và khăn đi nhé. Mình đã bị ngấm lạnh ở đây do sương mù nhiều quá.

Bữa trưa ở Kintanmani
Đường từ đây để đến bãi biển Lovina khá xa, đường ngoằn ngoèo và nhiều sương mù, đổ đèo liên tục. Nhưng qua khỏi vùng núi là thời tiết lại nóng và nắng đẹp. Đoàn mình ăn tối ở Tropical Bar ngay sát biển, sau đó mấy chị em rủ nhau đi spa ở đó. Giá là 75,000 Rp/mat xa kiều Bali toàn thân với tinh dầu/ 1 tiếng. Cảm giác thật thư thái và lại sức sau một chặng đường đi dài.
Bãi biển Lovina
Ở các khu du lịch tại Bali thường có Indo market mở cửa 24/24h rất tiện lợi để mua đồ dùng.

Ngày 4: Show cá heo – Đền Ulun Danu và hồ Beratan - Chợ Candikuning ( chợ hoa quả) – Padang Beach – Jimbaran Bay.
Nếu bạn không có dự định xem show cá heo thì không nên đến Lovina vì đi khá xa. Còn nếu muốn xem show cá heo thì đó sẽ là lựa chọn vô cùng đúng đắn khi tới Lovina. Để đảm bảo thời gian của chuyến hành trình, thì những ai xem show cá heo phải dậy từ sáng sớm để đi thuyền ra biển coi.

Đền Ulun Danu và hồ Beratan rất đẹp và đáng để tới tham quan. Cảnh kết hợp đền, hồ rất đặc trưng.
Chợ Candikuning thì đoàn mình chỉ tạt qua, cũng không mua gì ở đây. Hoa quả ở đây nói thách khá cao. Loại quả đặc trưng ở đây thì có quả Celuk nhưng mình lại không ăn quen nên cũng không mua.

Đoàn mình sau đó ghé nơi tưởng niệm những nạn nhân trong vụ đánh bom ở hộp đêm Kuta. Dọc khu này là các cửa tiệm shopping với giá cả vô cùng hợp lý vì đây là nơi tập trung rất nhiều người nước ngoài, giống kiểu khu Bùi Viện ở HCM.
Padang beach
Chúng mình đi tiếp xuống Padang beach. Biển ở đây rất đẹp, xanh và là một trong những nơi tập trung lướt ván. Điểm đặc biệt ở biển này chính là đường xuống biển phải đi qua cái hang, vách núi, rất hẹp.
Set hải sản ở Jimbaran
Bữa tối ở Jimbaran là chuẩn. Giá tương đối cao, 1 set hải sản rẻ nhất là vào khoảng 60USD, có thể ăn dùng cho 3 người ăn, bao gồm tôm nướng, cá nướng, mực tẩm bột chiên và tu hài nướng. Giá trên menu chưa bao gồm 21% thuế. Nhưng bù lại được cái phục vụ tốt và địa điểm thì miễn chê. Còn gì tuyệt vời hơn khi ngồi ăn trên bãi biển, ngắm pháo hoa. Ở đây họ bắn pháo bông lúc 6-7h tối để tạo ấn tượng thu hút khách vào nhà hàng.  

Nhận xét chung:
Sau mấy ngày đi mình có vài nhận xét về những vùng mình tới:

Kuta nhộn nhịp, đông vui.
Ubud yên bình, kiều làng quê, cánh đồng, núi non.
Lovina dành cho spa, ngắm cá heo.

TIPS:


--SHOPPING:
Nếu bạn thích mua sắm ở Bali, thì nên đến đúng nơi để mua đúng đồ mình cần, mua ở nơi khác dễ bị đắt hơn nhiều, cụ thể:
+ Ubud: Mua đồ gỗ, mặt nạ
+ Kuta: thời trang/ quần áo/ tinh dầu (mình mua khá nhiều tinh dầu và nến ở đây) giá hợp lý. Mua về làm quà tặng khá ok. Bánh xà phòng thảo dược giá 5,500 Rp/ bánh xà phòng. Một set bộ tinh dầu massage + 1 nến hình hoa + 1 túi muối tẩy da chết + miếng gỗ massage lưng giá khoảng 20,000 Rp.

--ĐI LẠI:
Khi mọi người lên lịch đi Bali thì nhớ tham khảo tour guide. Vì ở Bali rất hay bị kẹt xe mà đợi rất lâu, nên mọi người cần tính toán kĩ thời gian và khoảng cách các điểm đến để tránh bị mất thời gian do kẹt xe.

 Hy vọng những vắn tắt của hành trình trên sẽ giúp mọi người đi sau có thêm thông tin. Nếu có cơ hội thì mình vẫn muốn quay trở lại Bali lần nữa.

Thứ Bảy, 20 tháng 4, 2013

4 ngày "toàn cảnh" Bali (phần 1)

Đó là chuyến đi hè 2012 thật xứng đáng, xứng với sự chuẩn bị 1 năm trước đó cùng với những anh chị em trên webtretho, đáng tới mức mình không ân hận khi bỏ chuyến đi công tác tới Brunei, nơi mình cg chưa từng tới để mà khám phá Bali, một chuyến đi đúng nghĩa ngon, bổ, rẻ.
Nhiều người nói Bali là hòn đảo xinh đẹp, là nơi lý tưởng để hưởng tuần trăng mật, vậy không lẽ mình sẽ tới một nơi lãng mạn như thế chỉ có một mình, hai mình thì không có, vậy thì ta sẽ đi hẳn chục "mình"...

Đêm 1: Legian
Đoàn mình transit tại sân bay Kuala lumpur. Đợi 3 tiếng ở trong sân bay, nhưng để an toàn thì xuống máy bay, mọi người xếp hàng làm thủ tục để qua Bali luôn vì các quầy làm thủ tục luôn khá đông, xếp hàng dài.
Tips cho mọi người là nên mang ít tiền đô lẻ hoặc tiền Malay để uống nước ở sân bay nếu muốn. Vì mình mang thẻ mà chả đâu nó nhận. Tới tận ngày về mình mới biết có 1 quầy café trong khu check in ở sân bay Malay là quầy duy nhất chấp nhận thẻ credit. 1 cốc milkshake giá khỏang 140k VND

Xuống sân bay lúc gần 7h tối nhưng đoàn mình phải mất khá lâu để về được khách sạn do mắc vào giờ kẹt xe bên đó. Trên đường về khách sạn cách đó tầm 40 phút, đoàn mình tạt vô trung tâm đổi tiền gần đó tên là PT.Cetral Kuta. Với tỉ giá 100$ = 937,500 IDR. Ở đây tỉ giá thấp hơn sân bay chút, nhưng vẫn cao hơn các nơi đổi tiền khác nhưng được cái là đảm bảo an toàn, và tiện trên đường ở sân bay về.

Về đến Tune legian, đoàn mình mua sim để tiện liên lạc với nhau. 1 simcard KL1K giá 50,000 Rp (khoảng hơn 100k tiền việt), top up thêm 25,000 Rp nữa. (gọi được khoảng 25 phút trong Bali hoặc 10 phút về VN).Bạn có thể top up ở mọi nơi.
Một kinh nghiệm nho nhỏ là ở Bali, trừ dạng resort ra thì những ksan như Tune,…đa phần không có cốc đánh răng đâu nhé, nên mọi người có thể chuẩn bị cốc nhựa mang theo.

Ngày 2: Legian – Tanah Lot – Gunung Kawi – Ubud.
Sáng hôm sau, một số người dậy sớm thì đi bộ ra bãi biển Legian ngắm bình minh. Trời ở đây phải tầm 6h15 mới hửng chút sáng.
Sau bữa sáng, cả nhà lên đường ra Tanah Lot. Vé vào cửa là 30,000 Rp / người. Cảnh đẹp, sóng cũng tương đối, các chị các em tha hồ pose ảnh. Dọc lối vào bán khá nhiều đồ lưu niệm với giá hợp lý. Dép tông mình mua làm quà: khoảng 30,000 Rp/ đôi. Túi xách tay bằng vải in chữ Bali, thêu họa tiết, size cỡ 20x30cm giá tầm 10-20,000 Rp/chiếc.


Tanah Lot
Trưa hôm đó cả đoàn ăn ở Ibu Oka. Có 2 chi nhánh Ibu Oka, ăn gần chợ thì rất đông, phải đặt trước, còn ăn ở chỗ chi nhánh mới mở cũng của Ibu Oka thì rộng rãi thoáng mát và vắng hơn. Ăn trên tầng 2, ngồi kiểu nhà sàn, gọi theo set mỗi người một đĩa gồm cơm trắng, thịt lợn cari kiểu Indo, khoai lang luộc chua chua ngọt ngọt, ít lợn cay và da lợn chiên ròn. Dừa non ở Bali thường hơi chua. Nói chung tùy người và tùy khẩu vị, đồ ăn đa phần ngọt, và cay. Một đặc điểm là trong các bữa ăn ở Bali, buffee hay gọi món đều thấy có rổ phồng tôm đi kèm .


Chiều thì đoàn ghé qua Ruộng bậc thang và Gunung Kawi. 2 nơi này đều rất đẹp, khi vào Gunung Kawi thì mọi người nhớ qua chỗ có cái như vòi nước chảy, vớt ít nước lên mặt cho nó may mắn nhá.

Trước khi về Ubud thì các chị em đi thử foot massage ở gần chỗ Lotus Café. Nhưng các chị em lưu ý, massage ở khu Monkey forest, gần Lotus café ko thích lắm, hơi bẩn, ko pro và giá massage chân là 35,000Rp /nửa tiếng hoặc 55,000 RP/1 tiếng.

Ở Lotus nếu nhà mình không đặt trước sẽ không có chỗ ăn đâu. Đoàn mình vào nhưng hết chỗ rồi. Bù lại, tụi mình được một bữa vịt nướng Bali tuyệt cú mèo ở nhà hàng Bebek Tepi Sawah cách đó không xa. Món vịt ở đây đáng nhớ vô cùng. Một set là nửa con vịt nướng thơm lừng, kiểu như vịt áp chảo, ngon, đậm đà mà giờ mình vẫn còn thòm thèm 


Chủ Nhật, 20 tháng 11, 2011

HCM (P2): Nhịp sống Sài gòn

Nhộn nhịp ở trung tâm thành phố, phố tây lên đèn, thư giãn trong khu du lịch Bình Quới.


Nếu như tối đầu tiên, tôi được chìm trong âm nhạc guitar của nhóm tam tấu guitar tại Nhà hát Hồ Chí mình thi tối thứ 2 tôi lại ở trong một không gian khác hoàn toàn. Không phiêu trong tiếng nhạc ghitar, nhẹ nhàng và sâu lắng mà là trong âm thanh lớn, náo nhiệt của quán bar Go 2 Eat và Crazy Buffalo trên phố Bùi Viện. Hôm đó là ngày chúng tôi hội ngộ các nhóm thi từ Hà Nội bay vào, cùng uống bia Light và lắc lư theo nhịp nhạc.Tới khoảng gần 1h sáng, chị Pica đưa tôi về nhà, ra khỏi con phố Bùi Viện tấp nập, ngoài đường chính tĩnh mịch, lác đác vài bóng xe qua lại.


Vẫn ở con phố Bùi Viện đó, con phố nhỏ giống như khu phố cổ tại Hà Nội, vẫn chủ yếu là khách du lịch qua lại đó, nhưng không phải trong không gian sôi động của bar mà là ở một góc trên tầng 2 quán Sân Ta nằm giữa con phố này. Đó là sau buổi tối đi nghe hòa nhạc đầu tiên tại SG, một người bạn đã đưa tôi đến quán Sân Ta này, chúng tôi gọi đồ ăn tối và cùng nhau chuyện trò, nhìn xuống con phố dưới ánh đèn vàng ấm cúng. Chúng tôi nói về công việc, những ngày thi sắp tới và cả niềm đam mê, bất chợt, trước niềm say mê công việc của anh, tôi tự nhủ lại lòng mình, niềm say mê thực sự của tôi là gì? Tôi đã thực sự dám làm những cái tôi muốn chưa hay vẫn đang trên con đường tìm kiếm nó. Có lẽ sẽ phải qua thời gian, thử thách để tìm đến cái đích mình muốn tới, song tôi chưa bao giờ ân hận vì những gì mình đã làm. Không quyết đinh, không va vấp, không đi thì sao biết được thế giới ngoài kia rộng lớn biết bao và bao điều nên trải nghiệm, khám phá. Trong sự yên tĩnh đó, cái góc tĩnh trên một con phố ồn ào, tôi chìm trong suy nghĩ.


Những ngày thi cũng đã tới, xa trung tâm thành phố sôi động, náo nhiệt, tôi chuyển xuống khu du lịch Bình Quới cùng các thí sinh khác. Không gian đây thoáng đãng, mát mẻ, nhiều cây xanh, thực sự là nơi rất lý tưởng cho một cuộc thi sáng tạo. Trên bãi cỏ, ngoài ghế gỗ, hay trong căn phòng ngủ mà nhìn bên ngoài giống như căn nhà nhỏ bằng gỗ giữa rừng và ở dưới là dòng nước, chỗ nào cũng có thể là không gian khơi nguồn cho các ý tưởng. Ba ngày thi tại đây là ba ngày vô cùng đáng nhớ, cùng ăn, cùng ngủ và cùng trò chuyện với những người bạn, cùng tập trung cao độ cho cuộc thi và cả buổi liên hoan suốt đêm cuối cùng trong âm nhạc, snack và fanta pha vodka.





Một chuyến đi thật ý nghĩa, chuyến đi kết hợp cả thi và du lịch, nhưng tiếc rằng 9 ngày tại đây tôi chỉ ở Sài gòn mà chưa đi tham quan được các nơi xung quanh như ra Vũng Tàu, Cà Mau…Hy vọng lần sau trở lại, tôi sẽ đi khám phá được nhiều hơn.

Thứ Hai, 14 tháng 11, 2011

HCM (P1): Ẩm thực Sài thành

Đó là chuyến đi 9 ngày vào Sài gòn lần đầu tiên của tôi. Ý định vào chơi HCM đã nhen nhóm trong tôi từ lâu nhưng may mắn và thật tình cờ khi tôi được lọt vào top 10 chung kết cuộc thi Vietnam Young Lion 2011, do vậy đội tôi gồm tôi và một người bạn khác đã được tài trợ để bay vào SG thi chung kết. Cuộc thi chỉ diễn ra trong 3 ngày tại khu du lịch Bình Quới, nhưng tôi đã tranh thủ vào sớm và về muộn thêm vài ngày để kết hợp du lịch luôn. Do vào sớm nên tôi đã ở nhờ nhà một người bạn tại Quận 1. Bên cạnh niềm vui khi có thêm rất nhiều người bạn mới từ cuộc thi, giao lưu với những sinh viên chi nhánh HCM của trường tôi- Arena, đi mua sắm, thì thứ đọng lại trong tôi nhiều nhất chính là ẩm thực Sài gòn.


Bún măng vịt

Ngày đầu đặt chân tới HCM, sau khi cất hành lý, tôi đã đi bộ khám phá SG tới khuya mới trở về nhà. Bữa trưa hôm đó, chị Pica đưa tôi đi ăn món bún măng vịt ở ngõ đường Mạc Thị Bưởi. Thoạt đầu tôi cứ ngỡ chỉ có một bát bún măng trộn lẫn với vịt như ở HN, nhưng khi bưng ra là 1 bát bún măng riêng và 1 đĩa thịt vịt hấp, phủ sốt lên trên. Thịt đậm đà, không béo, ăn rất ngon. Dù quán ở trong hẻm nhưng lúc nào cũng đông khách.

Sau bữa trưa thưởng thức bún măng vịt trong hẻm là cả buổi chiều lang thang, đi bộ dọc con đường Đồng khởi, Sài gòn center, Thương xá tax..và nhâm nhi ly café trong cửa tiệm Gorlia Jean Coffee một chiều mưa.



Lẩu cá kèo

Đến ngày giao lưu gặp gỡ các sinh viên arena HCM, tôi được các bạn đưa đi ăn lẩu cá kèo, và đây cũng là lần đầu tôi thưởng thức món ăn này. Trời thì mưa, nhưng các bạn rất nhiệt tình trở chúng tôi trên những chiếc xe máy tới đường Bà Huyện Thanh Quan để ăn lẩu cá kèo. Những con cá sống tươi ngon, thuôn dài, được thả trực tiếp vào nồi lẩu đang sôi sùng sục, cùng với các loại rau sống, ăn với bún. Đi kèm là một đĩa cá kèo xiên nướng, tẩm gia vị và ớt. Cá nhân tôi đặc biệt thích món cá kèo xiên nướng này. Còn về chỗ cá được thả vào nồi lẩu kia, lúc đầu ăn phải mật và rất đắng, tôi ngỡ phải bỏ hết đi, nhưng anh bạn người Sài gòn nói cho tôi biết rằng mật chính là cái ngon nhất nên tôi đã thử ăn hết cả con, và rồi những con tiếp theo nữa..


Đồ hải sản: Ốc, sò huyết: Nếu có điều kiện vào HCM, bạn hãy thử thưởng thức đồ hải sản ở đây, rất đậm đà, ngon bổ rẻ. Khi chị bạn rủ tôi đi ăn đồ hải sản, tôi còn ngần ngại vì nghĩ chắc cũng chả khác đồ hải sản Hà nội là mấy nhưng Hà nội thì mắc hơn, song khi tới quán ốc trên đường Nguyễn Thị Minh Khai thì suy nghĩ của tôi lại khác hoàn toàn. Đây là một trong những quán nhậu, và chuyên các loại hải sản, đặc biệt là ốc. Tôi rất bất ngờ khi nhìn menu tại đây rẻ hơn khá nhiều so với ở HN, và hương vị hải sản được tẩm ướp ngon hơn, cay hơn. Thậm chí, tôi tin chắc bạn còn có thể xì xụp húp nước ốc ở đây đến giọt cuối cùng, ngậy ngậy, hơi béo và hài hòa cả chua, cay mặn ngọt.


Tắc, xí muội ở Nhà thờ Đức Bà: Nhắc tới nước tắc là tôi lại không thể quên được câu chuyện hài hôm tôi ra Nhà thờ Đức Bà lúc chập tối với những người bạn. Khi tôi hỏi ở đây có nước gì, họ nói có tắc, xí muội. Nước xí muội thì tôi biết, nhưng nghe tắc có vè lạ lạ. Tôi hỏi người bán :

- Nước tắc là nước gì ạ?

- Là nước tắc chứ còn gì.- Người bán trả lời

- Thế nó làm từ quả gì ạ? Tôi tò mò hỏi tiếp

- Trời, thì là quả tắc đó

- ???

Cuối cùng, chỉ sau khi người bán bưng ly nước tắc ra, làm một ngụm, tôi mới hiểu, thì ra tắc chính là quất ở ngoài Hà Nội. Và, nước tắc chính là nước quất. Song, ở trong đây họ cho rất nhiều đá và đường, do đó bạn hãy từ từ thưởng thức nhé. Lúc sau đá tan ra uống mới thích, còn nếu không biết mà bạn cứ hớt hết đá ra như tôi, thì chắc chỉ còn lại vài giọt nước trong cốc mà thôi.


Chè và kem sầu riêng: Chè Sài gòn tại quán chè 75 trên đường Trần Huy Liệu và kem ở cửa tiệm Kem Bạch Đằng trên đường Lê Lợi. Đó là 2 địa chỉ mà tôi đã lưu lại và cũng là hai nơi duy nhất tôi thưởng thức món tráng miệng là kem và chè, vị ngọt ưa thích của tôi. Giống như thương hiệu kem Tràng Tiền hay kem Hồ Tây ngoài Hà Nội với các vị truyền thống như cốm, sữa dừa hay vani, thì kem Bạch Đằng khá nổi tiếng trong Sài Gòn, đặc biệt với hương vị sầu riêng. Dù bạn không biết ăn sầu riêng, hay e ngại về mùi của sầu riêng, thì với kem hay chè sầu riêng thì lại khác, thoảng chút hương sầu riêng trong ly kem mát lạnh hay cốc chè thơm ngon, bạn cứ thử rồi sẽ biết.


Bánh tráng trộn, bánh bột chiên, bánh đúc quán rong cho tới bánh ngọt của tiệm Tous les jours khởi đầu ngày mới.

Bánh tráng trộn


Bánh bột chiên


Một đứa thích ăn vặt như tôi thì không thể bỏ qua các loại bánh hay các món ăn vặt ở Sài gòn được. Tôi đã tìm đến một quán rong bán bánh tráng trộn ở trước cổng một trường học, quán lúc nào cũng phục vụ một số lượng lớn thực khách chính là các em học sinh đặc biệt vào giờ tan học hay giờ nghỉ trưa. Bánh tráng trộn gồm bánh tráng cắt lát mỏng, thêm chút khô bò, trứng cút, xoài xanh xát thành sợi, chút vừng, rau và nước sốt trộn đều với nhau.

Khác với hương vị thanh mát của bánh tráng trộn là bánh bột chiên ngậy, thơm và bùi. Bánh bột chiên chính là bột chiên lên với trứng, hành, cắt miếng nhỏ ăn cùng với đu đủ xát xợi và nước chấm xì dầu chua ngọt. Bánh đúc trong Nam đặc biệt khác với bánh đúc ngoài Hà nội, không phải đặc và nhân lạc mà mềm, dẻo, bề mặt phủ nhân thịt và mục nhĩ. Nhìn chung, bánh đúc mỗi vùng miền lại có một hương vị và cách chế biến khác nhau và có vị ngon rất đặc trưng.


Tạm biệt các món bánh ở quán rong, vỉa hè, tôi sẽ nhắc tới bữa sáng quen thuộc của tôi trong những ngày tại SG trước khi xuống Bình Quới. Đó chính là các loại bánh tại cửa tiệm Tous Les Jour gần nơi tôi ở. Giá cả hợp lý, phải chăng và bánh ở đây luôn thơm ngon, mới. Loại bánh tôi thích nhất là bánh mỳ nướng, bánh cream và bánh kẹp ham phủ phô mai và sữa. Buổi sáng, tôi thường mua bánh tại đây kèm với một ly chanh bào, rồi ngồi lướt web, cập nhật tình hình facebook trên tầng 2 của quán, thỉnh thoảng nhìn xuống con phố tấp nập xe cộ, người đi làm.


Ho Chi Minh City - Nov 2010

Thứ Tư, 2 tháng 11, 2011

Singapore (P3): Suýt ngủ quên trong shopping!

Nếu bạn là một tín đồ shopping thì bạn đã tìm đến đúng chỗ rồi đó. Thậm chí lúc tôi tới đây với mục đích du lịch tham quan là chính, vậy mà tôi đã dành toàn bộ thời gian ngày đầu tiên tại khu shopping Bugis và cả buổi chiều ngày thứ 4 tại khu Orchard. Tại sao vậy? Điều gì đã hấp dẫn và lôi cuốn tôi đến thế? Kinh phí chuyến đi đã được tôi lên cẩn thận từ trước mà suýt chút nữa thì hết sạch chỉ vì khoản tiền dành cho shopping tăng đột biến.


Trước hết phải kể tới sự bắt mắt, cách trang trí décor quá đa dạng, style rõ ràng, quầy phong cách cá tính, quầy thì kiểu sang trọng quý phái..tiếp đến là những tấm biển sale. Nhưng hầu hết không sale trực tiếp cho 1 sản phẩm , thay vào đó là chiêu bán hàng khéo léo như mua 2 giá rẻ hơn mua 1 chiếc, và mua 3 thì lại rẻ hơn nữa. Và bỗng chốc tôi đã quên đi việc 1 SGD bằng bao tiền Việt. Tôi được một người em tư vấn ở Bugis giá hợp lý nhất, vì thế tôi đã chọn cho mình vài bộ đồ ở đây trước, tôi vẫn nhớ đó là cửa tiệm L’zzie với phong cách rất dễ thương. Nếu cậu em không gạt đi chắc tôi đã mua hết mấy bộ đồ trên người mẫu. Vậy là nguyên ngày đầu tiên, sau chuyến bay buổi sáng, tôi đã dành từ 2h chiều đến 7h tối chỉ ở khu Bugis, shopping và ăn tối tại Bugis junction.


Bên cạnh các khu shopping cao cấp thì có khu chợ Ấn Mustafa là nơi khá hợp lý nếu bạn muốn mua những đồ lưu niệm, tôi nghĩ vậy. Tôi mua được khá nhiều đồ lưu niệm tặng bạn bè tại đây. Với các tấm biển 10$/3 chiếc, tôi dễ dàng chọn cho mình những món đồ khác nhau, bạn không nhất thiết phải lấy cùng loại mà có thể khác loại. Với 10$ tôi đã chọn được 1 chiếc túi xách bằng vải, 1 cái bóp đựng điện thoại/máy ảnh, và 1 chiếc cặp tóc khá đẹp. Nhưng khu này tôi chỉ tạt vào mấy quầy hàng đầu, còn về sau cũng như vậy nên tôi không cần vào nữa. giá và mặt hàng cũng ngang nhau. Tôi shopping tại khu này khoảng hơn 1 tiếng, để dành thời gian thăm quan tòa Quốc hội và bảo tàng.

Orchard thì cả khu đều là các cửa tiệm, plaza, tôi không nhớ và cũng không đếm được có bao nhiêu plaza tại đây, vì tôi đi mãi không hết. Nhưng tôi chỉ tập trung vào một vài khu như Tang, Ion và Isetan. Với mức sale lên tới 50-70%, tôi đã sắm vài món đồ của Esprit và Pierre Cardin tại Isetan và thực sự nếu về VN thì bạn cũng không thể mua với giá như vậy. Từ chiếc túi xách của khu plaza họ thiết kế cũng lịch sự và đẹp. Và, chất lượng dịch vụ thì miễn bàn, lúc nào cũng có cảm giác bạn là thượng đế và vì vậy, bạn cảm thấy đồng tiền bỏ ra là rất xứng đáng. Vì mải mê shopping mà tôi đã để những người bạn ăn trưa trước, còn tôi thì ngợp trong cửa hàng Esprit tới 3h chiều mới ăn trưa. Dường như tôi đã no mắt thay cho no bụng rồi.


Nhìn chung, shopping cũng là cách để bạn chăm sóc bản thân, bạn mặc đẹp hay phù hợp với mình thì sẽ cảm thấy tự tin hơn, hoặc đôi khi làm mới mình bằng những bộ trang phục. Và đây cũng là cách xả stress có phần tốn kém nhưng cũng khá hiệu quả vì khi đó bạn chỉ còn tập trung vào những bộ trang phục trên các quầy hàng mà thôi. Nhưng bạn đừng quên cân nhắc giữa shopping và túi tiền nhé!

Thứ Tư, 12 tháng 10, 2011

Singapore (P2): Hãy chuẩn bị sẵn “bụng rỗng”

Hãy chuẩn bị sẵn cái bụng rỗng nhé vì bạn sẽ có rất nhiều thứ để thưởng thức tại đất nước này, bên cạnh món chilli crab đặc trưng là cháo ếch, cơm gà cùng rất nhiều món ăn khác.

Chưa thể nói bạn đã tới Singapore khi chưa thưởng thức món cháo ếch nổi tiếng. Tôi vẫn nhớ ngày hôm đó, dù đã mỏi nhừ chân vì đi tham quan cả ngày, nhưng đến 9 rưỡi tối, tôi vẫn quyết cùng chị bạn đi ra khu Geylang để thưởng thức món cháo ếch này, coi như là bữa ăn khuya. Chúng tôi vừa đi vừa hỏi đường để tới quán cháo, dọc con phố đó tấp nập hàng ăn liền kề nhau, nào hải sản, nào cháo ếch.Và, trước mắt tôi là tấm biển lớn có hình con ếch xanh “Lavender Frog Porridge – BBQ Seafood”. Quán phục vụ rất nhiều món, từ chilli crab, cháo ếch, cho tới cơm, cá chiên..

Dừng chân trước cửa tiệm, mấy anh phục vụ nhiệt tình ra hỏi chúng tôi ăn món gì, chúng tôi nói muốn ăn cháo ếch “frog soup”. Anh phục vụ chỉ lên bảng cho tôi thấy có rất nhiều loại. Oài, tôi không biết nên chọn loại nào thì ngon và đã ra tận nơi, xem các kiểu chế biến ếch. Có 2 loại vị cay là “Claypot Dry chilli Frog leg” và “Claypot Ginger Spring Onion Frog Leg” cùng 2 loại không cay là “Claypot Frog Leg soup” và “Claypot Frog Porridge”. Tất cả được đặt trong nồi đất có tay cầm, giống cơm tay cầm VN. Loại cay ở đây thì rất cay nhưng trông bắt mắt và hấp dẫn hơn loại không cay. Có tận 4 loại khác nhau mà chúng tôi chỉ có 2 người, làm sao thưởng thức hết được. Vì vậy, tôi và chị bạn quyết định chọn 1 nồi cay và 1 nồi không cay. Bạn có thể ăn món này với cháo hoặc cơm, đương nhiên chúng tôi đã chọn ăn với cháo.

Một lát sau anh phục vụ bưng ra 2 nồi ếch và 1 nồi cháo, trời ơi, làm sao chúng tôi ăn hết được đây. Bao nhiêu là ếch nhưng trông đã thấy ngon và bắt mắt rồi, mặc dù chúng tôi đã ăn tối no nhưng khi nhìn thấy nồi ếch này thì bụng lại cảm thấy đói. Thấy chúng tôi đang loay hoay không biết ăn thế nào cho đúng kiểu, anh nhiệt tình hướng dẫn xúc một vài thìa ếch vào bát, thêm một vài thìa cháo vào, rồi trộn đều lên và thưởng thức.

Tôi sẽ kể đến món ếch cay trước, mặc dù tôi không ăn được cay lắm nhưng món này lại khiến tôi tò mò thử trước vì màu nước sốt vàng nhuộm và sện sệt phủ lên trên ếch. Thịt ếch mềm, tẩm ướp rất đậm đà với rất nhiều loại gia vị cùng với nước sốt cay xè nóng hổi. Lúc tôi coi ở quầy bếp, thấy cả một khay gia vị tẩm ướp, mắm muối, xì dầu và một vài loại sốt đặc biệt gì đó. Vì cay quá, nên ăn một miếng ếch, tôi phải nêm thêm vài miếng cháo, cháo không quá loãng hay quá sệt, nói chung là rất vừa phải.

Tiếp đến là nồi ếch không cay, chúng tôi đã chọn loại “Claypot Frog Leg Soup”, có chút gừng, rau và hạt kỳ tử bên trong. Thịt ếch ở nồi này có màu trắng chứ không vàng ươm như ở nồi ếch cay, nhưng xem ra dễ ăn hơn với tôi vì nó không cay.Tổng thiệt hại chúng tôi hết 16 đô la Sing cho 2 người, với tỉ giá quy đổi 1SGD tương đương gần 15 000 VND và chúng tôi đã có một bữa cháo ếch no căng, thật xứng đáng, đáng đồng tiền bát gạo và bõ cái công cuốc bộ tới đây.

Món ăn tiếp theo tôi muốn nhắc đến trong ẩm thực Singapore là cơm gà. Có thể nói đây là món hợp túi tiền nhất, chỉ khoảng 5-6 đô la Sing và cũng dễ ăn nhất. Đó là bữa trưa đầu tiên khi tôi đặt chân tới Singapore, tôi đã thưởng thức cơm gà tại Lau Pa Sat. Đây là một tổ hợp khu ăn uống với rất nhiều quầy hàng, đồ ăn, đồ uống và giá cả rất hợp lý. Một suất cơm gà gồm một đĩa cơm có màu của nước gà, có thể do tưới nước gà lên hoặc là nấu với nước gà vì vậy hạt cơm có vị rất đậm đà và xốp, kèm theo đó là một đĩa gà quay chặt miếng. Miếng thịt gà mềm và không bị mỡ, được tưới nước sốt xì dầu, cùng theo đó là một bát nước canh gà, nước trong, với vị ngọt của thịt và nước xương. Tôi từ từ cảm nhận vị ngọt, vị đậm đà của mỗi miếng cơm gà và ghi lại vài dòng vào quyển sổ tay.

Ẩm thực quả thực là một điều không thể thiếu trong mỗi chuyến đi của tôi. Bất cứ nơi nào tôi đặt chân đến, chỉ cần nhắc tới các món ăn tôi thưởng thức nơi đó, cùng với những tấm hình và vài dòng viết lưu lại là mọi kỉ niệm, hình ảnh cũng như cảm xúc của chuyến đi đó lại ùa về, sống dậy trong tôi.

Thứ Hai, 3 tháng 10, 2011

Singapore (P1): Ngày và đêm

Những ngày bình yên tại Singapore, là mỗi buổi sáng tôi đi MRT từ ga Aljunied tới trung tâm, rồi đi bộ dọc bờ sông Singapore. Tôi mua bánh bao và sữa đậu nành ở ga tàu điện và cầm theo tờ báo được phát free ở ga rồi đi bộ. Buổi sáng các cửa tiệm ở Singapore đều mở rất muộn và người dân thì đi làm hết, tôi lang thang một lúc rồi dừng lại bên bờ sông, chụp vài tấm ảnh rồi nghỉ chân, lướt đọc qua tờ báo. Báo Singapore được viết cả tiếng Trung và tiếng anh, tôi xem qua coi có tin tức khuyến mại nào ở các trung tâm hoặc là tin nổi bật về sự kiện nào đó để không bị bỏ lỡ.

Đường xá thì sạch, siêu sạch là đằng khác, tôi có thể lê la, mỏi chân thì ngồi xuống đất, đứng dậy cũng chả có tí bụi nào. Gió thổi nhè nhẹ, tôi ngồi trên thành bờ sông, ngắm nhìn đường phố rồi lại tới những con thuyền trên sông, sau đó coi bản đồ xem hôm nay sẽ đi những đâu để thuận tiện đường đi lại.

Trái ngược với nhịp sống ban ngày, cuộc sống về đêm tại Singapore thật náo nhiệt. Khoảng 10 giờ tối, tôi cùng với bạn đi ra Clarke Quay, ngắm các tòa nhà cao tầng rực rỡ ánh đèn, các bar thì tấp nập khách. Vì mải mê ngắm cảnh nên tôi đã bỏ lỡ mất chuyến du thuyền ngắm Singapore về đêm, khi ra tới nơi thì họ bảo quầy vé đã đóng và vì thế chúng tôi quyết định tiếp tục đi bộ. Dọc bờ sông là các quầy hàng bán đồ lặt vặt, tất cả các mặt hàng, từ quần áo cho tới các phụ kiện. Hơn 1h sáng, tôi mới quay về nghỉ ngơi, giữ sức cho việc tham quan ngày hôm sau. Quả là một thành phố về đêm, náo nhiệt, trẻ trung và tràn đầy sức sống!

Cũng vẫn là buổi tối nhưng không phải ngoài đường mà là trong Night Safari. Tôi đã xếp hàng dài để lên được chiếc xe điện tham quan một vòng khu đó, để ngắm các con thú về đêm. Gió thổi khá mạnh, bên ngoài tối om, cứ đi một lát xe lại dừng để mọi người ngắm các con thú ở hai bên đường như hổ, hươu nai, hà mã và nhiều loài khác nữa. Hướng dẫn viên cũng giải thích cho chúng tôi về tập tính, thói quen của các loài vật này. Một cảm giác thật gần gũi với thiên nhiên và động vật, chưa bao giờ tôi lại thấy mình gần với chúng tới như vậy, có lẽ bởi chúng được sống tự do trên mảnh đất của riêng mình thay vì bị nhốt trong những chuồng lớn.

Ngày hay đêm, trong Night Safari hay ngoài đường phố, tất cả đều có nét đặc trưng riêng của nó và là những điểm thu hút khách thăm quan, mang đến những cảm nhận khác nhau về đất nước du lịch Singapore: Trong lành, bình yên mỗi sáng, náo nhiệt trẻ trung về đêm hay sự hoang dã, sinh động của Night Safari.

September 2010 - by Thuy Duong Do.